Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

KHU DƯỢC LIỆU ĐỒNG THÁP MƯỜI VÀ DƯỢC SĨ NGUYỄN VĂN BÉ

KHU DƯỢC LIỆU ĐỒNG THÁP MƯỜI và Dược sĩ Nguyễn Văn Bé

(Toquoc)- Xung quanh “cuộc đời và sự nghiệp” ông, nhiều sự lạ: Một sinh viên tốt nghiệp hạng ưu tình nguyện bỏ vị trí nhiều người muốn, đơn thân độc mã về nơi khỉ ho cò gáy “nằm vùng” nghiên cứu… rắn độc.

Cuộc đời và sự nghiệp
Hộ khẩu Sài Gòn, vợ đẹp con ngoan, lại phải biền biệt xa gia đình để gầy dựng một cuộc sống mới với những người nông dân chân lấm tay bùn xa lạ. Một dược sĩ - nhà khoa học có tiếng, chủ nhân một khu du lịch (KDL) kiêm Giám đốc một trung tâm dược liệu quy mô nhất nhì cả nước lại không có lấy một chiếc xe riêng… và còn vô vàn những điều bí mật hết sức thú vị khác. Ông chính là Dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, người dân vùng này vẫn thường gọi bằng cái tên thân thuộc, là ông “Ba Đất Phèn”, hay bình dân hơn là… ông Ba Bé.
Từ ngoài vàm kinh 79 (xã Bình Phong Lợi, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), ngồi đò dọc gần 40 phút, qua gần chục con rạch mới đến được Trung tâm dược liệu của ông. Nhìn dáng người cao quá khổ, nước da đen rám vì nắng gió, khuôn mặt sáng, ánh nhìn sắc sảo nhưng hiền lành, phúc hậu, trông ông Ba không khác một lão nông tri điền thực thụ là mấy. Cũng phải, ông đã ở đây gần ¼ thế kỷ rồi còn gì...
Từ "Cánh đồng hoang"... đến khu dược liệu độc nhất vô nhị”
Chúng tôi đến vùng đất hoang hóa này ngày 20-1-1984, nhằm ngày 18-12-1983 âm lịch .
Đoàn của chúng tôi đến đây gồm 3 đồng chí trong ban xóa đói giảm nghèo. Cơ ngơi của chúng tôi là cánh đồng hoang. Tất cả chúng tôi đến sống và làm việc ở mảnh đất này, đều xem lao động là quyền chính đáng của con người. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi đã chịu đựng mọi thử thách của thiên nhiên.
Chúng tôi bắt vùng đất hoang hóa này phải thức dậy để cùng chúng tôi cống hiến cho xã hội những sản phẩm có giá trị.
Tháng 7 năm 1986,
Dược sĩ Nguyễn Văn Bé”.
Đấy là những dòng chúng tôi ghi lại được trong quyển “nhật ký” của trung tâm.
Nghe kể, vùng Đồng Tháp Mười có lịch sử khá lâu đời. Theo bác sĩ Ngô Văn Quỹ, thế kỷ XVIII, vùng này còn mang cái tên “rất là tiểu thuyết kiếm hiệp Tàu”: Tầm Phong Long, hình dáng một chiếc mu rùa, choán cả một dải đất đai rộng lớn. Từ giữa thế kỷ XIX, từng đoàn khai hoang của Đức Phật Thầy Tây An chia nhau ra đi. Đoàn vào Thất Sơn. Đoàn đến Láng Linh. Đoàn về Cái Dầu. Một đoàn khác do cụ Đạo Ngoạn đưa về miền Cần Lố, bên kia Tiền Giang, dựng một ngôi chùa tại Trà Bông, mở mang ruộng rẫy... Ở vùng này, họ gặp một ngọn tháp cổ bằng đá to, các mặt mài nhẵn vuông vắn, xếp chồng lên nhau kiểu kiến trúc Đế Thiên Đế Thích. Trước tháp có một tượng sư tử và một hình linga thần Siva bằng đá để thờ. Đó là ngôi tháp thứ mười trong số mười ngôi tháp của vua nước Chân Lạp xây cất. Cánh đồng bao la bát ngát quanh đó, vì thế, được gọi là Đồng Tháp Mười...



Đó là chuyện xưa...
Nhưng, những năm 83- 84, lúc ông Ba về đây, Đồng Tháp Mười vẫn hãy còn là một vùng đất phèn quanh năm hoang hóa. Mùa nắng đất khô cỏ cháy, mùa mưa nước ngập tràn lan. Đất ngún (nhiều tro, không cháy thành lửa ngọn mà cháy ngún âm ỉ), nước phèn - độ PH chỉ gần bằng 1, không uống được. Chung quy là vùng đất chết. Một vùng đất... bị lãng quên. Đây cũng là địa điểm xây dựng phim trường của bộ phim nổi tiếng: Cánh đồng hoang.
Những năm 80, Nhà nước triển khai dự án khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, thành lập rất nhiều nông trường, mỗi nông trường vài ngàn hecta. Ông Bé xuống, cũng trong thời đó. Tốt nghiệp năm 1979, thuộc lớp sinh viên đầu tiên của Trường Y - Dược, ông được giữ lại. Thế nhưng, ý đồ ông muốn lập một khu nhà máy chế tạo dược phẩm ở Đồng Tháp Mười vì theo ông, vùng này có nhiều điều kiện. Quan điểm không được ủng hộ, buồn tình, ông xách ba lô sang Công ty dược liệu trung ương II để nghiên cứu... rắn độc. Hai năm trời, ông “nằm vùng” tại các trại rắn, lập trại ở một số nơi, nghiên cứu và lấy được khá nhiều nọc. Nhưng rồi không nơi tiêu thụ hết, ông phải cầu cứu bạn bè, tận dụng làm pômát - nazatoc (nọc rắn hổ) - để vớt vát chút nguồn lợi…
Đùng cái, năm 1983, ông lại nhận nhiệm vụ về Đồng Tháp Mười để nghiên cứu và trồng cây tràm gió. Ông kể: “Những năm đầu khai hoang lập ấp, quanh quẩn chỉ đốn tràm, chặt lá và nấu dầu”. Cứ chặt, đốn rồi nấu suốt mấy năm ròng. Nhưng rồi duyên nợ đã làm thay đổi toàn bộ. Thời đó, Xí nghiệp dầu tràm Mộc Hóa rất nổi tiếng. Một lần, nhờ sự giới thiệu của ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ, kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương, một đoàn đại biểu Việt kiều, sau khi dự Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu 11-2-1993, đã đến thăm cơ ngơi của ông. Trong khi nhiều người mải mê ca ngợi ông Bé, một ông Việt kiều Philippines tên Dương Nghiệp Bảo đã viết lên những dòng tâm sự “trái chiều” thế này: “Khai phá đất hoang để phát triển kinh tế là một điều tiết cho sự mở mang đất nước. NHƯNG tôi rất lo lắng cho tương lai vùng đất này. Vì theo kinh nghiệm của các quốc gia khác; sự mở mang thường đi cùng với sự hủy hoại môi sinh. Với kết quả rất khốc hại và không thể hồi lại được (Irreversible). Và do đó, con cháu ta sẽ phải trả bằng một cái giá rất đắt. Chúng ta nhất định phải cố tránh vấp phải và rơi vào trường hợp này!”.



Ông giật mình: “Trời đất, cha nội này nói trúng quá!”. Thế là, ông quyết tâm chuyển hướng. Từ đốn tràm, ông chuyển sang... giữ tràm. Xúc tiến chuẩn bị cho việc thành lập một trung tâm bảo tồn dược liệu sau này: quy hoạch kênh mương, đào đắp hàng loạt kênh, rạch... Vài năm, bắt đầu có trại nghiên cứu giống cây tràm và một số dược liệu khác, có cơ sở chưng cất tinh dầu tràm bằng phương pháp áp suất (điều đáng quý là toàn bộ thiết bị - từ nồi hơi đến nồi chưng cất và các thiết bị khác đều do ông và các đồng nghiệp tự mày mò thiết kế), đầu tư xây dựng phòng kiểm nghiệm, vừa để kiểm tra, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng tinh dầu...
Từ 1988, trung tâm bắt đầu trồng thử nghiệm những cây tinh dầu quý, chế tạo thêm nhiều thiết bị chưng cất, tinh chế tinh dầu tràm và các thiết bị khác. Ngoài những cây đặc thù của vùng Đồng Tháp Mười như cây tràm, cây sen, trung tâm trồng thử một số cây tinh dầu có giá trị như bạch đàn và các loại sả... Vừa nghiên cứu, trồng trọt, trung tâm vừa chế biến, sản xuất ra các sản phẩm, dược phẩm từ tinh dầu. Từ những loại cây nhà là vườn của Việt Nam, trung tâm của ông đã bào chế ra nhiều sản phẩm có giá trị thiết yếu phục vụ đời sống đồng bào, còn hiệu quả hơn cả một số loại thuốc ngoại nhập đắt tiền khác.
Ông Ba đất phèn và khu du lịch "không đụng hàng”
Chuyện về ông Ba và những bí mật thời mở cõi của ông Ba Đất Phèn ít người biết, thế nên cái khu du lịch sinh thái “2 trong 1” của ông cũng chỉ mới được biết tới những năm gần đây. Đó là khi các công ty du lịch khám phá ra khu bảo tồn này, tìm đến ông và đặt điều kiện khai thác. Vài năm trước, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng trong chuyến đi khảo sát tiềm năng du lịch tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, được người của ngành du lịch Long An đưa đến đây để tận “mục sở thị”…
Cần nói thêm, trong xu thế phát triển, du lịch ĐBSCL đã được xác định thế mạnh là du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Thế nhưng khi bắt tay thực hiện thì dường như hầu hết tại các tỉnh, thành đều rơi vào thực trạng “1 mô hình cho 5 - 7 tỉnh”, du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn ở các nơi đa phần na ná như nhau.
Thế cho nên, khi đã chấp nhận kiêm luôn vai trò một khu du lịch, trung tâm dược liệu của ông Ba vẫn cố “mặc cả”: chỉ mở cửa đón khách ba tháng cuối năm. Người không hiểu có thể nghĩ ông Ba... “chảnh”. Nhưng không phải vậy, khoảng thời gian tháng 10 - 12 là mùa nước nổi, thời điểm chim, cá tụ về. “Chảnh”, còn bởi vì ông không muốn trung tâm của mình chạy đua kinh doanh du lịch theo lối đại trà, phổ thông. Vì nhiều lẽ: thứ nhất, người đông thường đi liền với sự phá hoại môi trường. Thứ hai, xét về chiêu thức kinh doanh, “chảnh” một chút như thế cũng lợi, vì ít nhiều cái sự “chảnh” đó vô tình tạo ra cho khu du lịch này chút tính chất gì đó mang hơi hướm bí ẩn, huyền thoại; ai muốn tham quan phải canh đúng thời gian, đi trễ sau tháng 10 - 12 thì hết cơ hội, phải chờ đến năm sau mới được. Thứ ba, mở cửa KDL, ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhất là các nhà khoa học, để lắng nghe ý kiến, góp ý của mọi người về công tác bảo vệ môi sinh. Từ những phản hồi đó, ông sẽ ý thức được tình hình để dễ dàng điều tiết…
Những ý nghĩ đó, ông tự tin phần lớn đã và sẽ đi đúng hướng. Bằng chứng, sau mấy năm mở cửa, KDL của ông ngày càng được nhiều người biết. Không ít du khách cho biết, KDL đặc biệt này đã để lại trong lòng họ những ấn tượng cũng vô cùng… đặc biệt. Đặc sản du lịch nơi đây toàn “hàng độc”. Một khu rừng nguyên sinh chưa có ai động tới, vẫn còn nguyên vẻ nguyên sơ. Chim cò ken đặc. Nhiều cây thuốc quý. Nhiều đặc sản cá đồng không nơi nào có. Ngay cả đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên phục vụ cũng là “đặc sản” – không ai khác, đó chính là những công nhân lao động trong trung tâm. Tất thảy các khâu phục vụ, từ đưa đón khách tham quan rừng tràm, nhìn ngắm chim chóc, thăm khu bảo tồn dược liệu đến khâu chế biến món ăn, phục vụ tân nhạc và đờn ca tài tử... đều do công nhân đảm trách. Ông nói vui, toàn những món “cây nhà, lá vườn” mà lại “không đụng hàng”, “không giống ai” nên đâu có căn cứ nào để mà so sánh. Nhưng chúng tôi tin, khi đã đến đây, chứng kiến những điều khó tin tại nơi này, chắc hẳn không chỉ vì thế mà hầu như tất cả những ai đến đây khi ra về đều buột miệng khen: “ Một nơi không thể chê vào đâu được”!

quý khách xem tour du lịch dược liệu đồng tháp mười.
Bài: Tăng Bá Sên - Ảnh: Võ Đắc Danh